+ Cây gỗ cũng dễ bị sâu bệnh, nấm, dễ gãy đổ do mưa bão.
+ Gỗ có độ đàn hồi vừa phải nên nếu cần biến tính thì cần phải ngâm hóa chất.
+ Gỗ khi phơi sấy dễ bị nứt nẻ, vặn xoắn hoặc cong vênh.
+ Khi thi công, trong thân gỗ thường có các chất chiết xuất gây khó khăn trong việc sơn phủ trang trí bề mặt. Các chất này cũng có thể ăn mòn dụng cụ cắt gọt.
Không phải thanh ván gỗ nào cũng thẳng, vân gỗ đẹp, không bị cong vênh, văn xoắn. Các nhược điểm kể trên của gỗ tự nhiên cũng phần nào lý giải các gỗ tự nhiên sẽ có những khuyết tật gây khó khăn và mất thời gian, tốn kém chi phí trong quá trình sản xuất. Sau đây là những khuyết tật trên gỗ có thể gặp phải.
4.1. Khuyết tật mắt gỗ
Mắt gỗ là gốc của cành, nhánh cây để lại trên thân cây. Tấm ván gỗ có mắt là điều tất yếu nhưng mắt gỗ có số lượng nhiều sẽ tạo nên khuyết tật của gỗ. Mắt gỗ có các hình tròn, hình bầu dục, hình nêm dài, phân nhánh tùy thuộc vào mặt cát của cành trên bề mặt tấm gỗ xẻ. Mắt gỗ được chia ra làm các loại như sau:
a. Dựa vào hình dáng
Mắt gỗ hình tròn: là mặt cắt của cành được cắt ngang trên mặt hàng gỗ xẻ, trục của mắt thẳng góc với mặt cắt dọc của gỗ xẻ.
Mắt gỗ hình bầu dục: là mặt cắt của cành nhánh được cắt vát trên mặt hành gỗ xẻ, trục của mắt và mặt cắt dọc của gỗ xẻ hợp thành một góc nhọn; góc càng nhọn tức cành cây mọc càng dốc đứng.
Mắt gỗ hình nêm dài: là mặt cắt của cành nhánh được cắt dọc, trục của mắt song song hoặc gần song song với mặt cắt dọc gỗ xẻ.
Mắt gỗ phân nhánh: là mặt cắt của cành mọc theo hình vành khăn cùng một độ cao như nhau được cắt dọc, mặt cắt của gỗ xẻ song song với hai vành trên cả chiều dài của chúng. Do đó ta thấy hiện tượng mặt cắt của mắt thành hai hình dải dài hay hình nêm xếp đối diện với nhau ở trên mặt gỗ xẻ.
b. Dựa vào kết cấu
Mắt sống: còn gọi là mắt lành, khi khai thác, các cành gỗ còn sống bị cắt bỏ khỏi thân cây do đó các liên kết giữa cành và thân cây là một khối. Do nhựa cây thấm vào phần gỗ mắt làm cho màu sắc của mắt gỗ thường đậm hơn, trông hơi gờ lên và khá khó khăn khi cắt xẻ tuy nhiên chất lượng gỗ không bị giảm. Mắt sống trong 1 số loại gỗ ví dụ như gỗ thông, gỗ sồi được coi là một kết cấu quan trọng làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho gỗ.
Mắt mục: Là khu vực gỗ bị nấm mốc, côn trùng ăn làm xốp, mục gỗ. Gỗ bị mục một phần cũng khiến cho sản phẩm giảm chất lượng và trông kém thẩm mỹ hơn gỗ tốt.
Mắt gỗ hóa sừng: là mắt có phần gỗ khỏe bị thấm nhiều nhựa, ta-nin hoặc các chất khác, màu mắt gỗ thường đậm hơn và chất gỗ có thể cứng hơn khu vực gỗ xung quanh rất nhiều.
Mắt chết: Đây là khu vực gỗ có cành gãy, cành chết đã tách khỏi thân cây. Khu vực này có sức đề kháng kém nhưng kết cấu gỗ vẫn giữ nguyên vẹn. Do đó sẽ có sự co rút khác nhau ở khu vực có mắt chết
Mắt gỗ mục và mắt gỗ chết làm giảm giá trị của phôi gỗ do ngay tại vị trí chứa các mắt gỗ chết, mắt gỗ mục đó sẽ phá vỡ các rãnh của các sợi trong thân cây và sức mạnh của gỗ bị giảm.
Mắt gỗ bé: là những mắt do nhánh phụ (cành đực) hình thành nên nhưng không phát triển được và tự chết nên có đường kính mắt nhỏ, loại mắt nhỏ này ít khi bị hóa sừng hay có màu đậm như mắt sống hoặc mắt hóa sừng.
4.2. Khuyết tật do cấu tạo gỗ
Khi cây gỗ phát triển, trong các điều kiện thời tiết khác nhau và tự tấn công của côn trùng, dịch bện cũng khiến cho cấu tạo của gỗ không đồng đều
Thớ xiên hay thớ vặn: Thớ xiên có thể bắt gặp trên mọi loại cây là do sự sắp xếp bất thường của thớ gỗ trong thân cây gỗ khiến cho vân gỗ bị xiên lệch. Đối với cùng một loại gỗ thì mức độ xiên của thớ ở trong cây gỗ thường ít hơn ở ngoài cây gỗ. Đối với gỗ xẻ, nếu cây gỗ tròn bị xiên thớ thì khi xẻ ra các tấm gỗ sẽ bị xiên thớ. Nếu kỹ thuật xẻ không tốt thì từ gỗ tròn thớ thẳng cũng xẻ ra những tấm gỗ bị xiên thớ.
Thớ chun: Thường có trên loài cây lá rộng. Các thớ gỗ được phân bố nhăn xoắn theo hình gợn sóng hay rối loạn thành hình búi lộn xộn. Loại khuyết tật này thường có ở phần gốc thân cây gần với cổ rễ cây, phần gỗ bạnh của thân cây.
Thớ uốn xoắn: Thường có trên tất cả các loài cây. Thớ uốn xoắn xuất hiện ở những chỗ cong cục bộ của vòng sinh trưởng do ảnh hưởng của cành hay nhánh phụ gây nên. Trên mặt hàng gỗ tròn có thể phát hiện thấy vùng thớ uốn xoắn ở những chỗ có u lồi ngay trên bề mặt ngoài của gỗ.
Gỗ giác bên trong: là hiện tượng một số vòng sinh trưởng ở phần lõi gỗ có màu sắc và tính chất giống như gỗ giác. Trên gỗ tròn, khuyết tật này thể hiện là một hay một vài vòng sáng nhạt đồng tâm, mỗi vòng có một vài vòng sinh trưởng có màu sẫm hơn vòng gỗ giác này. Trên mặt cắt dọc theo chiều xuyên tâm hay bán xuyên tâm, khuyết tật này là những dải đều đặn có màu sáng nhạt chạy dọc có dạng hình dải rộng hoặc hẹp hơn nằm cùng với các vòng sinh trưởng theo chiều dài mặt cắt.
Vết tủy: là loại khuyết tật do tổ chức tế bào mô mềm có tác dụng hàn gắn vết thương của gỗ khi bị các loại côn trùng ăn hại: Trên mặt cắt ngang của gỗ, vết tủy thường có hình trăng khuyết màu sẫm hoặc màu sáng, nằm theo chiều tiếp tuyến thường dài từ 1,5 đến 3mm.
Tủy: là phần trung tâm của thân cây gỗ gồm có tổ chức tế bào mô mềm và phần lớp gỗ đầu tiên. Trong mỗi thân cây đều có tủy cây, nhìn trên mặt cắt ngang của mặt hàng gỗ tròn thì loại khuyết tật này có hình tròn nhỏ, hình sao hay hình đa giác, màu sáng hoặc màu xám, mềm và có các vòng sinh trưởng đồng tâm cứng hơn thì bao bọc xung quanh.
Hai tâm: là hiện tượng cùng tồn tại hai tâm trong một tiết diện cắt ngang của thân cây. Trên mặt cắt của dầu khúc gỗ tròn có hai tủy có hai hệ thống vòng sinh trưởng riêng biệt, và thưa dần về phía ngoài của thân cây rồi nhập thành một hệ thống chung của vòng sinh trưởng. Thông thường giữa hai tâm có một vùng gỗ chết được bọc kín. Thân cây gỗ thường có hình bầu dục.
Lệch tâm: là hiện tượng vòng sinh trưởng rộng hẹp không đều ở hai phía đối xứng qua tâm. Khuyết tật hình thành co cây gỗ bị mọc nghiêng, hoặc mọc trên sườn núi dốc. Gỗ lệch tâm thường có khối lượng thể tích lớn ở phía có vòng sinh trưởng hẹp và ngược lại nên ảnh hưởng đến độ co rút, độ vênh vặn của gỗ.
4.3. Khuyết tật do nứt nẻ và thương tật.
Các vết nứt được hình thành do quá trình co ngót của gỗ quá nhanh tạo ra chủ yếu do tác động bởi nhiệt độ và thời gian. Trong gỗ tròn và gỗ xẻ, các vết nứt thường gồm các dạng: nứt dọc xuyên tâm, nứt tiếp tuyến, nứt do co rút trong phơi sấy. Các vết nứt có chiều rộng dưới 0,05 mm và chiều sâu dưới 5 mm thì gọi là vết nứt chân chim, vết nứt có chiều rộng và chiều sâu lớn hơn thì gọi là nứt toác
4.4. Lỗ do mọt, côn trùng
Gỗ bị sâu hại chủ yếu do con ấu trùng của sâu gây ra. Các loại sâu gây hại với gỗ chủ yếu xâm nhập vào cây gỗ mới chặt hạ hoặc cũng có trường hợp sâu xâm nhập vào cả cây còn đang sinh trưởng.
Sâu hại gỗ thường đục khoét gỗ thành nhiều hang ngách để ở và tìm thức ăn, đồng thời dẫn đường cho các loại nấm xâm nhập và phát triển trong gỗ làm suy yếu cường độ gỗ, mục trong gỗ.
Tùy theo kích thước hang sâu hại gỗ lớn hay bé, nông hay sâu mà phân thành. Mức độ thương tổn được xác định bằng số lượng hang có trong 1 mét dài trên mặt tiếp tuyến của tấm phôi gỗ. Do đó, cần có biện pháp chống mối mọt, sâu cho gỗ cả khi trồng và khi khai thác và chờ đưa vào chế biến.
4.5. Các khuyết tật khác
Ngoài các khuyết tật chính kể trên thì gỗ tự nhiên còn có một vài khuyết tật khác có thể kể tên là: nấm mốc làm thay đổi màu sắc trên bề mặt gỗ làm cho gỗ không đồng màu, xấu đi.
Độ sâu vết cườm (do mở răng cưa không đều) tạo nên gợn sóng lớn.
Độ xoắn, viên của thớ gỗ cũng dễ làm cho gỗ bị vặn xoắn.
Để xử lý các khuyết tậ trên gỗ thì có các phương pháp sau:
- Ngâm tẩm hóa chất nhằm thay thế các gốc (-OH) trong gỗ
- Sấy gỗ ở nhiệt độ 103±2oC trong thời gian dài để loại bỏ nước tự do và nước thấm khỏi gỗ. Chỉ giữ lại độ ẩm trong gỗ từ 8% 0 14% để tránh gỗ bị co ngót, nứt vỡ khi thay đổi nhiệt độ.
- Gỗ tự nhiên sinh trưởng chậm nên trong quá trình phát triển cũng dễ bị bệnh nên cần có biện pháp phòng chống bệnh tật, nấm mốc, mối mọt …
Đàn hồi thấp. Cần biến tính gỗ bằng phương pháp ép hoặc ngâm hóa chất.
- Trong khi phơi sấy gỗ thường dễ bị nứt nẻ, cong vênh nên thường dễ nứt nẻ, cong vênh nên cần có phương án cưa xẻ, bóc lớp thích hợp.
- Gỗ khô dễ bắt lửa, dễ cháy nên cần ngâm tẩm hoặc sơn phủ các chất chống bắt lửa.